28
Th8

Lý do doanh nghiệp không nên bỏ qua hình thức marketing tài trợ sự kiện

Để thực hiện một chiến dịch marketing hiệu quả đòi hỏi các marketer phải áp dụng nhiều phương pháp và công cũ hỗ trợ khác nhau một cách linh hoạt. Trong các “chiêu thức” marketing đang được sử dụng nhiều hiện nay, marketing tài trợ vẫn được xem là một phương thức hiệu quả không thua kém và thậm chí vượt xa quảng cáo. Dưới đây là 4 lý do mà các doanh nghiệp không nên bỏ qua hình thức marketing này!

Đầu tiên, chúng ta cần làm rõ, marketing tài trợ là hoạt động hỗ trợ về tài chính hoặc bằng hiện vật cho một chương trình, một sự kiện, hoạt động hoặc tổ chức nào đó. Qua đó nhằm giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu và đạt được một số mục đích kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là một hình thức marketing khác với quảng cáo, nó thể hiện định tính nhiều hơn.

Hình thức marketing tài trợ đem lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp tuy nhiên điều quan trọng nhất các marketer cần chú ý là phải “cân đo đong đếm” làm thế nào chọn ra một cuộc thi, một sự kiện để tài trợ sao cho thỏa mãn các yêu cầu: đúng người, đúng thời điểm, gắn liền với chiến lược phát triển thương hiệu. Hình thức marketing này hứa hẹn sẽ mang lại kết quả ngoài mong đợi mà không lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp.

Tại sao không nên bỏ qua marketing tài trợ?

Có rất nhiều lợi thế khiến doanh nghiệp không nên bỏ qua marketing tài trợ cho sự kiện. 4 lợi ích có sức nặng nhất chính là:

1. Tăng mức độ nhận diện thương hiệu

Khi tên thương hiệu của bạn được gắn liền với một cuộc thi lớn, một chương trình lớn điều này chắc chắn sẽ giúp cho thương hiệu của bạn được nhiều người biết đến hơn nữa. Sự kiện càng lớn, có ý nghĩa xã hội nóng bỏng sẽ được càng được báo chí truyền thông đưa tin, nhắc tới nhiều hơn. Điều này khiến cho thương hiệu của bạn được “ghi lại” nhiều lần trong tâm trí của khách hàng.

Cũng từ đó nhiều khách hàng chưa từng biết đến thương hiệu của bạn cũng sẽ biết đến và có cái nhìn tin tưởng tích cực hơn về thương hiệu của bạn khi nó được gắn liền với một cuộc thi, chương trình sự kiện đáng tin cậy.

Nhà thuốc Long Châu, Pfizer và YouMed thường xuyên tài trợ cho các chương trình đào tạo dược sĩ, nâng cao khả năng quản lý các bệnh lý thường gặp

Bên cạnh đó tài trợ là phương pháp hữu hiệu để thiết lập mối liên kết giữa giá trị thương hiệu sẵn có với các thương hiệu lớn khác. Super Bowl – siêu cúp bóng bầu dục Mỹ được coi là sự kiện thể thao lớn nhất trong năm của xứ cờ hoa. Tầm ảnh hưởng của sự kiện này vượt xa cả sự kiện bỏ phiếu bầu cử tổng thống Mỹ khi thu hút sự quan tâm của hàng trăm triệu cổ động viên trải khắp 50 bang. Và dĩ nhiên Pepsi đã nhanh tay chớp lấy cơ hội truyền thông tuyệt vời này, qua đó hình ảnh thương hiệu của Pepsi được nâng tầm và tạo được dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân Mỹ.

Pepsi đầu tư nghiêm túc và có chiến lược bài bản vào Super Bowl Halftime show. Mà trình diễn chỉ vỏn vẹn 10 phút nhưng nghệ sĩ nào cũng cảm thấy vinh dự khi được mời trình diễn trong sự kiện này.

2. Tạo lượng khách hàng tiềm năng lớn

Đi đôi với việc tăng mức độ nhận diện thương hiệu thì một chiến dịch marketing tài trợ sẽ giúp thương hiệu tăng lượng khách hàng tiềm năng lớn hơn trước do tiếp cận trực tiếp được tới khách hàng mục tiêu.

Người tổ chức sự kiện thường cung cấp thông tin về những người tham gia sự kiện cho nhà tài trợ. Đây là một cơ hội tốt để bạn lên kế hoạch hay có một chiến lược hiệu quả để tiếp cận với càng nhiều người càng tốt. Hơn nữa, bạn có thể trực tiếp tìm hiểu insight khách hàng của mình, nói về sản phẩm của bạn và xây dựng một database chất lượng trong tương lai.

3. Tạo lợi thế với đối thủ cạnh tranh

Khi thương hiệu của bạn được gắn liền với một chương trình sự kiện uy tín và đình đám, đặc biệt là khi thương hiệu của bạn là nhà tài trợ độc quyền thì bạn sẽ tạo được lợi thế lớn so với đối thủ cạnh tranh của mình. Đây là ưu điểm nổi trội của việc marketing tài trợ, so với việc bỏ tiền rất nhiều cho mảnh đất quảng cáo vốn chật chội và cạnh tranh với hàng trăm thương hiệu đối thủ.

Giải bóng đá lớn nhất hành tinh từ lâu đã trở thành giấc mơ quảng cáo với các hãng trang phục thể thao. Đây là nơi các thương hiệu hàng đầu thế giới xuất hiện trước khoảng một tỷ người xem trên toàn cầu. Adidas là nhà tài trợ chính thức và là đối tác của FIFA từ năm 1970. Phần lớn số tiền được chi cho việc cung cấp bóng đấu, trang phục trọng tài và quảng cáo tại sân vận động. Trong khi đó Nike thì lại thích đổ tiền cho cá nhân cầu thủ, đội bóng, tài trợ bằng các trang phục, phụ kiện phủ kín từ chân lên đầu.

4. Tăng doanh thu
Từ những hiệu quả mà marketing tài trợ tạo ra cho thương hiệu như tăng mức độ nhận diện, tăng khách hàng tiềm năng, tạo lợi thế với đối thủ cạnh tranh thì không có gì quá ngạc nhiên đây cũng là phương pháp giúp doanh nghiệp tăng doanh thu tốt.

Thông qua chương trình tài trợ bạn cũng có thể quảng bá sản phẩm của mình một cách tự nhiên, khéo léo hướng tới khách hàng từ đó kích thích họ mua hàng và sử dụng sản phẩm.

Theo Bloomberg, cả Nike và adidas đều xem tài trợ cho các đội bóng là chìa khóa thúc đẩy doanh số giày đá bóng, áo cầu thủ và các dòng đồ thể thao khác.

Kết: Đây là một hình thức marketing đem lại hiệu quả, nhưng để chiến dịch marketing tài trợ thành công thực sự thì thương hiệu cần xác định rõ vai trò của mình trong sự kiện đó cũng như nắm bắt tâm lý của nhóm khách hàng mục tiêu. Từ đó có kế hoạch triển khai phù hợp, tạo nên một cú hích đột phá cho thương hiệu.